Friday, May 7, 2010

“Mother’s Day” vào năm thứ 100

Thy Nga, phóng viên đài RFA
2008-05-11
Hôm nay, Chủ Nhật thứ nhì trong tháng Năm, là Mother’s Day, ngày lễ vinh danh Mẹ. Đặc biệt hơn nữa, năm nay là năm đánh dấu lần thứ 100 của Ngày Hiền Mẫu.

Từ lòng ngưỡng phục, kính yêu Mẹ 

Vào ngày 10 tháng Năm 1908, buổi lễ “Mother’s Day” đầu tiên được chính thức tổ chức tại nhà thờ Andrews Methodist ở thị trấn Grafton, tiểu bang West Virginia, Hoa Kỳ. Tất cả là do lòng yêu mẹ, ngưỡng phục mẹ của một cô gái mà thành.

Câu chuyện thế nào, Thy Nga xin lược thuật với quý vị, trong lúc chúng ta cùng nghe các ca khúc về Tình Mẹ con.

“Mẹ hiền yêu dấu” Dạ Nhật Yến hát lời Việt…
Anna Jarvis sinh năm 1864 giữa cuộc nội chiến Mỹ. Nơi cô chào đời là một ngôi làng nhỏ ở phía Nam thị trấn Grafton.

Trong các năm chiến tranh, mẹ cô là bà Ann Jarvis xả thân săn sóc những người bị thương, bất kể là họ thuộc về chiến tuyến nào. Và để ngăn chặn các chứng bệnh phát sinh, bà cổ võ việc giữ gìn vệ sinh.
Sau khi tiếng súng chấm dứt, bà vẫn tiếp tục việc săn sóc, lần này là cho những thương tích do chiến tranh để lại trong lòng người, bằng cách đưa các cộng đồng đến gần với nhau hơn. Bà Ann Jarvis từ trần vào ngày 9 tháng 5, 1905.
Vào lần giỗ thứ hai, con gái bà, là cô Anna đưa ý định lập ra ngày vinh danh các bà mẹ trên toàn nước Mỹ.
Mùa Xuân năm sau đó, Anna viết thư đến Giám thị lớp Giáo lý tại nhà thờ Andrews Methodist ở Grafton, là lớp mà mẹ cô từng dạy vào mỗi Chúa Nhật trong suốt 20 năm, để yêu cầu ông cho tổ chức lễ tưởng niệm mẹ cô tại đó.
Và rồi, như nói ở trên, vào Chúa Nhật 10 tháng Năm 1908, lễ “Mother’s Day” đầu tiên diễn ra tại nhà thờ ấy. Anna đón tiếp những người đến dự lễ, trao cho mỗi người một đóa cẩm chướng trắng là loài hoa mà người mẹ quá cố của cô yêu thích nhất.

Đến nghị quyết Vinh danh Mẹ

Qua năm sau, thì Anna xin nghỉ việc để dành trọn thời giờ cho việc viết thư vận động lập ra một ngày toàn nước Mỹ vinh danh các bà mẹ.
Năm 1912, tại một đại hội của nhà thờ Methodist, Anna Jarvis được công nhận là người lập ra “Mother’s Day”; và năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson ký ban hành nghị quyết dành Chủ Nhật thứ nhì trong tháng 5 làm “Mother’s Day” vinh danh vai trò của người mẹ trong nền tảng gia đình.

Lễ “Mother’s Day” ở Mỹ

Như thế là “Mother’s Day” có từ cả trăm năm nay rồi đấy. Tục lệ này khá dễ thương, Thy Nga kể quý vị và các bạn nghe chuyện đón mừng “Mother’s Day” ở Mỹ nhé.
Từ mấy tuần nay, các cửa tiệm trưng bày đủ thứ quà để khách mua biếu Mẹ, từ kẹo bánh… đến hoa, tới nữ trang. Mọi người dù bận tới mấy, cũng không quên mua quà biếu Mẹ, hay đến thăm Mẹ.
Thường thì các bà mẹ phải dậy sớm, sửa soạn cho con đi học, cho chồng đi làm, sau đó là lo việc nhà - những việc mà vừa rồi, Salary.com, một công ty nghiên cứu về đền bù nhân công đã tính ra tiền.
Salary.com mở cuộc thăm dò 18 ngàn phụ nữ về việc nội trợ mà các bà đảm trách: ngoài những việc của người nội trợ mà ai cũng biết, như đi chợ, nấu nướng, cọ rửa, lau chùi, dọn dẹp, giặt giũ… tức là việc của ô-sìn, lương bao nhiêu?
Bà kiêm luôn làm thủ quỹ cho gia đình, cố vấn tâm lý cho con cái, giáo viên dạy kèm làm bài tập… những việc này qui ra, phải trả bao nhiêu nhỉ.
Ở Âu Mỹ, bà còn làm tài xế đưa đón con đi học, đi sinh hoạt mỗi ngày nhiều lần: lương bác tài  bao nhiêu đây? Đó là chưa kể việc trường kỳ săn sóc cho con, cho chồng về đủ mọi thứ.
Salary.com tính ra tiền công là 116,805 đô-la Mỹ/một năm!
Hỏi sao nhiều vậy thì công ty này nói rằng ở Mỹ qui định số giờ làm việc trong một tuần là 40 giờ, người nội trợ làm nhiều giờ hơn thì phải trả phụ trội, nhất là vào sáng sớm, và ban tối. 
Người Mỹ chuyên về thống kê, tính toán chứ ai mà chẳng hiểu lòng mẹ, bà cho đi mà không hề nghĩ đến đền bù.
Mẹ yêu con với tình thương yêu vô điều kiện.
“Nhớ ơn Mẹ” (Đinh Trung Chính), Ninh Cát Loan Châu hát…
Cũng may là mỗi năm có một ngày, người mẹ được miễn việc nội trợ. Theo tục lệ Âu Mỹ thì vào “Mother’s Day”, ông chồng cùng các con làm bữa điểm tâm rồi bưng vào tận giường cho bà. Kế tiếp, là màn tặng quà, rồi đưa bà đi chơi, đi ăn tiệm, …

“Mother’s Day” khắp thế giới

Lễ “Mother’s Day” từ Bắc Mỹ lan ra một số quốc gia ở Nam Mỹ, châu Âu, Úc, và châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Philippin, Singapore, Malaysia, New Zealand.
Ở những quốc gia khác trên thế giới thì “Lễ vinh danh Mẹ” được ấn định vào các ngày hay dịp khác, từ Na-Uy vào Chủ Nhật thứ nhì của tháng Hai; Anh quốc vào Chủ Nhật thứ tư của Mùa Chay… đến Nam Hàn vào “Ngày vinh danh Cha mẹ, 8 tháng Năm”; Pháp, Thụy Điển, Haiti, Cộng hòa Dominic vào Chủ Nhật cuối tháng Năm… tới Indonesia vào ngày 22 tháng 12.
Thái Lan lấy sinh nhật của Hoàng Hậu Sirikit làm “Ngày lễ cho Mẹ”. Trong khi đó, Palestine và nhiều quốc gia theo đạo Hồi vinh danh Mẹ vào ngày đầu tiên của mùa Xuân, riêng người thuộc hệ phái Shiite thì mừng vào sinh nhật của Fatemeh, con gái của Nhà Tiên tri Mohammad sáng lập ra Hồi giáo (ngày lễ tính theo âm lịch) và coi đó là “Ngày Phụ nữ”.
Tại Việt Nam thì trước kia, lễ Vu Lan vào rằm tháng Bảy âm lịch với sự tích “Mục Kiền Liên xin xuống địa ngục cứu Mẹ” được coi là “Ngày của Mẹ”.
Sau này thì Nhà nước Việt Nam lấy “Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng Ba” làm ngày vinh danh nữ giới. Tuy nhiên, từ khoảng bốn năm nay, báo chí trong nước cũng đã đề cập đến “Mother’s Day”. Giới trẻ dần biết đến lễ ấy, và một số bạn trẻ cũng đã nhân dịp vui này, tặng hoa biếu quà cho Mẹ.
“Tình Mẹ” (Nhât Huy), Mỹ Tâm hát …

Tượng Mẹ-Con ở Grafton 

Grafton được coi là thị trấn về Tình Mẹ con, du khách đến đó thường là để viếng tượng đài mà chúng tôi đăng hình kèm theo bài viết này. “The International Mother’s Day Shrine” tạc tượng bà Ann Jarvis với cô con gái Anna.
Năm nay, trong Tuyên cáo kỷ niệm bách niên lễ “Mother’s Day”, Thống Đốc bang West Virginia kêu gọi mọi người dành tời giờ để nhớ về người đã sinh thành, dưỡng dục,
và cho chúng ta một tình thương yêu vô bờ bến, một nguồn cảm hứng bao la, vô tận.
“Lòng Mẹ” (Y Vân), Hoàng Oanh ca…
Với ca khúc “Lòng Mẹ”, Thy Nga xin qua làn sóng điện, gởi đến tất cả các bà mẹ, những đóa hồng tươi thắm cùng lời chúc an vui hạnh phúc.

No comments:

Post a Comment