Thần chú tiếng phạn gọi là Mantra, bao gồm 2 chữ "Man" nghĩa là năng lực suy nghiệm (Thần) và "tra" (hậu tố từ) nghĩa là "chú = phương tiện" là lời, là tiếng, dùng làm phương tiện để diễn đạt. Thần chú tiếng phạn gọi là Mantra, bao gồm 2 chữ "Man" nghĩa là năng lực suy nghiệm (Thần) và "tra" (hậu tố từ) nghĩa là "chú = phương tiện" là lời, là tiếng, dùng làm phương tiện để diễn đạt.
Như vậy, "Thần chú" là phương tiện để suy nghiệm dẫn khởi một sự nối kết giữa thân tâm (vật chất và tinh thần) bằng âm thanh cô động. Chú hay Thần chú cũng có nhiều tên gọi khác nhau như: Chân ngôn, Chân âm, Mật ngữ (Mật ở đây là sự chứng tỏ mối liên hệ Mật thiết bên trong của sự vật hiện tượng và tinh thần. Đừng nên nhầm lẫn chữ Mật là Bí mật). Trong Phật giáo Thần chú là những lời mầu nhiệm chứa đựng năng lực đặc biệt đưa đến kết quả siêu việt áo nghĩa trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức cho thân, khẩu, ý (thân mật, khẩu mật và ý mật). Vì nếu chỉ thờ, lạy và cúng Phật, thì cũng chưa có thể gọi là trọn vẹn thuần thành, cho nên còn phải thêm phần tụng kinh, trì chú và niệm Phật để viên dung Sự và Lý. Thần chú hay được lặp đi lặp lại trong các buổi tu tập hành trì, đặc biệt là Mật Tông thực hành để thanh lọc thân khẩu ý bất tịnh trở thành thanh tịnh và thực chứng được Pháp thân mà hiển bài Báo thân hay Hoá thân trần thế này. Chú cũng có nhiều loại khác nhau, dài hay ngắn tùy theo môn phái. Trong lúc niệm Thần chú phải tập trung lên mặt chữ (các chữ đó hiện thành dụng ảnh) hay lắng nghe từng âm thanh của nó (Các tiếng đó biến thành vọng âm). Trong chương 5 của tác phẩm Subāhupariprcchā có ghi cách đọc tụng chú như sau : Đừng quá gấp rút. Đừng quá chậm rãi. Đọc đừng quá to tiếng. Đừng quá thì thầm. Không phải lúc nói năng. Không để bị loạn động.
Thần chú không phải là một công thức bất động và không phải là những sóng âm thanh tác động để kêu gọi sự trợ giúp của chư Phật hay Bồ tát giúp chúng ta thoát khỏi khổ đau hoặc tiêu trừ nghiệp chướng. Thần chú chỉ là một phương tiện trợ giúp tinh thần, tri thức, ý chí qua sự nhất tâm bền vững để kết thành năng lực tối cao. Chính nhờ năng lực này Tâm trong sạch và thành thực mới cứu vớt được chúng ta. Như Đại sư Milarepa nói : "Khi chư vị tự hỏi ác nghiệp có được tiêu trừ hay không, chư vị nên biết rằng : nó chỉ tiêu trừ bằng sự ước mong của thiện tâm".
Đọc Thần chú là khẩu mật (Khẩu là lời do miệng phát ra. Mật ở đây là sự chứng tỏ mối liên hệ Mật thiết bên trong của sự vật hiện tượng và tinh thần. Đừng nên nhầm lẫn chữ Mật là Bí mật). Cần nên học hỏi rõ ràng qua sự hướng dẫn của một vị tăng hay một đạo sư. Câu thần chú Hán Việt được nhiều người Phật tử đọc là : Úm ma ni bát di hồng. Một câu chú lâu đời của Phật giáo Tây Tạng, và cũng xem là Chân ngôn Bồ Tát Quán Thế Âm để bảo hộ hành giả vượt thẳng vào Phật quả hoặc vào hàng tứ Thánh. Ngoài câu chú ngắn đã kể trên, còn có bài chú căn bản này qua những tên sau : chú Đại Bi, Đại Bi Tâm Đà La Ni (Maha Karunika citta Dharani),Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni, Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thanh Cảnh Đà La Ni.... để minh họa công đức nội chứng của Đức Quán Tự Tại Bồ Tát (Avalokiteśvara Bodhisatva).
Theo kinh Mahakarunikacitta, bài chú này được Bồ tát Quán Thế Âm đọc trước một cuộc tập họp của các Phật, bồ tát và các vua quan, cũng như câu Om Mani Padme Hum.
Đại Bi chú được 2 Đại sư Phật giáo dịch ra :
Ngài Không Kim Cương (tiếng Phạn là amoghavajra) hay gọi ngắn là Bất Không (Phạn ngữ là amogha), Tước hiệu là Trí Tạng Sanh năm 705 tại nước Sư Tử (nước Tích Lan Sri Lanka bây giờ) và mất năm 774. Một Đại sư của Mật tông và cũng là một trong bốn dịch giả danh tiếng nhất của Thánh điển Phật giáo tại Trung Quốc, song song với Cưu-ma-la-thập. Chân Đế và Huyền Trang. Sư được xem là vị Tổ thứ sáu của Mật giáo và người đệ tử của Ngài được đích truyền là sư Huệ Quả, được xem là Tổ thứ bảy của Mật tông Trung Quốc. Một đệ tử quan trọng khác là Huệ Lâm.
Ngài Kim Cương Trí ( tiếng Phạn là Vajrabodhi ) hay Kim Cang Trí, sanh năm 671 và mất năm 741. Một Đại Sư Phật giáo cũng là Thầy của Ngài Không Kim Cương và Thai Tạng. Sư sinh ra trong một gia đình Bà La Môn tại Malabar, Nam Ấn, theo học đạo tại Na Lan Đà từ năm lên 10 tuổi. Sau đó đi qua các vùng khác của Ấn Độ và đã học rất nhiều giáo lý Đại Thừa như : Duy Thức Luận, Trung quán Luận, Du Già Luận.
Năm 31 tuổi, Ngài đi đến Tích Lan và thọ nhận pháp Mật Tông với Đại Sư Long Trí ( tức Ngài Pháp Mật hay Phổ Hiền ). Sau 7 năm am tường Mật Giáo, Sư trở về Trung Ấn. Một thời gian sau, Sư đi đến Java với một đồ đệ 14 tuổi, chính là Ngài Bất Không Kim Cương sau này, rồi tiếp tục du hành sang Trung Quốc. Cuối năm thứ 7 Khai Nguyên (719) nhà Đường. Tại đây Sư lưu lại ở các chùa Tư Thánh và Đại Tiến để dịch kinh. Trong đó có các bộ kinh Kim Cương Đỉnh Du Già được lưu truyền phổ biến. Ngài đã truyền lại rất nhiều giáo lý Đại Nhật và Kim Cương. Ngài cũng được tôn là bậc Thầy của hệ Kim Cương và Thai Tạng.
Dòng truyền thừa của Sư Kim Cương Trí được xem là dòng Chính Mật và nhánh truyền thừa của Ngài như sau : Đại Nhật Như Lai | Kim Cương Tát Đỏa | Long Thọ | Long Trí | Kim Cương Trí. Sau này Đại Sư Không Hải, tổ của Chân ngôn tông, Nhật Bản cũng nhận pháp từ chính dòng này theo nhánh truyền thừa như sau: Kim Cương Trí | Bất Không Kim Cương | Huệ Quả | Không Hải.
Đại Bi chú có nhiều bản dịch khác nhau qua sự tìm hiểu và nghiên cứu của các Bậc Đại sư trên thế giới từ xưa, và nhiều cách chia câu không giống nhau so với bản chữ Phạn thì các cách trên không đúng phép ngắt câu văn phạm, nhưng không quan trọng. Chủ yếu là nội dung không thay đổi Chú Đại Bi có hết thảy 84 câu và 415 chữ, là bài Tổng Trì của ngài Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Các Tổ xưa thường hay cặp đôi Đại Bi với Bát Nhã, vì Từ Bi và Trí Tụê là đôi bạn không thể rời nhau trong dòng giáo truyền.
Kính Bút
TS Huệ Dân
Nhà nghiên cứu Phật học quốc tế. Xin thân tặng ban biên tập và qúy đọc giả của trang daophatngaynay.com.
No comments:
Post a Comment