Tuesday, March 8, 2011

Thánh tích Lộc Uyển, Sarnath

by Thích Trí Lộc
Trên bước đường hành trình tâm linh về xứ Ấn thiêng liêng để chiêm bái Tứ Động Tâm, thông thường những người con Phật nói riêng hay du khách trên thế giới nói chung sau khi đáp máy bay tại phi trường Delhi, địa điểm viếng thăm đầu tiên sẽ là thành phố Varanasi. Nơi đây du khách sẽ được chiêm bái thánh tích Sarnath, khu vườn Lộc Uyển

thiêng liêng xinh đẹp, nơi đức Phật chuyển vận bánh xe Pháp đầu tiên, bắt đầu cuộc hành trình hoằng pháp cứu khổ độ sanh và viếng thăm dòng sông Hằng thiêng liêng huyền bí. Tiếp đó cuộc hành trình tâm linh sẽ đưa mọi người viếng thăm chiêm bái thánh tích Bồ-đề-đạo-tràng (nơi đức Phật thành đạo), thánh tích Kusinagar (nơi đức Phật nhập Niết-bàn) và thánh tích Lâm-tỳ-ni (nơi đức Phật đản sanh)…
Đó là cuộc hành trình tâm linh thuận theo không gian địa lý. Nếu thuận theo thời gian của Tứ Động Tâm thì khách hành hương phải đáp máy bay ở Nepal để chiêm bái thánh tích Lâm-tỳ-ni, sau đó viếng thăm thánh tích Bồ-đề-đạo-tràng, chiêm bái thánh tích Sarnath, và cuối cùng đảnh lễ thánh tích Kusinagar… cuộc hành trình như thế sẽ không thuận đường, nên thường vất vả hơn. Trong phạm vi bài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thánh tích Sarnath, vườn Lộc Uyển, nơi Ba ngôi báu được thành lập đầu tiên giữa cuộc đời.

1.Truyền thuyết về thánh tích Sarnath (Lộc Uyển)


Lộc Uyển là tên Hán Việt, Lộc (-) nghĩa là con nai, Uyển (-) là khu vườn đẹp; như vậy Lộc Uyển có nghĩa là Khu vườn nai xinh đẹp. Danh từ Lộc Uyển được dịch nghĩa từ tiếng Pāli là Sarnath (vua của loài nai); hay từ Migadāya (vườn nai). Sở dĩ gọi là Migadāya (vườn nai), vì khu vườn này được vua xứ Ba-la-nại bảo vệ các loài nai sống tự do trong khu vườn này và không cho dân chúng giết hại; nhờ thế nơi đây rất yên tịnh, thanh vắng và trở thành nơi cư trú lý tưởng của các vị ẩn sĩ tiến tu đạo nghiệp. Khi chưa chứng quả vị Vô thượng Bồ đề, đức Phật và năm anh em Kiều Trần Như cũng từng tu tập khổ hạnh trong khu rừng này.

Theo kinh tạng Pāli, khu rừng này thường được gọi là chỗ “Chư thiên đọa xứ” (Isipatana), vì nơi đây có 500 vị Bích Chi Phật nhập diệt giữa hư không, xác thân tứ đại các Ngài rơi xuống tại nơi này, nên nơi này được gọi là Isipatana. Vào thế kỉ thứ VII, khi ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này, Ngài cho biết có một bảo tháp được xây để đánh dấu nơi xác thân của 500 vị Bích Chi Phật rơi xuống, ngày nay thì bảo tháp này không còn nữa(1).

Danh từ Sarnath (vua của loài nai), xuất phát từ câu chuyện tiền thân của đức Phật Thích-ca, câu chuyện hàm chứa một tấm lòng đại từ bi của một con nai đầu đàn anh dũng. Chuyện kể rằng:

Thuở xưa tại xứ Ba-la-nại, trong một khu rừng xinh đẹp, có hai đàn nai đang sinh sống, mỗi đàn có hơn năm trăm con và được dắt dẫn bởi một con nai đầu đàn mạnh khỏe và thông minh, lanh lợi. Bất hạnh thay, nhà vua của xứ này rất thích thịt nai và thường hay đi săn bắn. Một hôm vua cùng tùy tùng đến khu rừng này săn bắn, phát hiện khu rừng có rất nhiều nai sinh sống, nhà vua rất vui mừng ra sức đuổi bắt; nhưng đàn nai rất khôn ngoan, chúng chạy luồn lách giữa những cây rừng, nhà vua không làm sao đuổi bắn được. Trải qua mấy canh giờ ra sức đuổi theo bắn giết mệt nhọc mà không săn được con nai nào. Nhà vua rất bực mình sai quân lính bao vây cả khu rừng và dùng lửa để đốt chết hai đàn nai. Biết được hậu quả kinh khiếp sắp xảy ra cho cả giống nòi và khu rừng, hai con nai đầu đàn (tiền thân của đức Phật và Đề-bà-đạt-đa) liền chạy ra khỏi khu rừng đi đến trước mặt nhà vua và thưa rằng: Xin Đại vương đừng đốt khu rừng giết cả loài nai và những sinh vật trong ấy, chúng tôi xin nguyện mỗi ngày sẽ dâng nạp cho ngài một con nai; như thế ngày nào ngài cũng có thịt nai tươi để dùng và chúng tôi cũng được kéo dài mạng sống. Nhà vua thấy nai đầu đàn rất dũng mãnh và xinh đẹp thưa như thế liền bằng lòng ngay, ra lệnh cho quân lính rút khỏi khu rừng và quyết định không đốt khu rừng nữa.

Hằng ngày, hai nai đầu đàn lần lượt sắp xếp một con nai để vào cung nộp mạng cho nhà vua. Một hôm sắp đến lượt một con nai có mang thai đi nộp mạng, nai mẹ nhìn bụng mà xót xa nghĩ rằng: con mình chưa chào đời mà đã phải chết theo mình, thương con đau lòng trằn trọc suốt đêm, sáng mai nai mẹ quyết định đi gặp nai đầu đàn của mình (tiền thân Đề-bà-đạt-đa) xin hoãn lại đợi ngày sanh xong sẽ đi nộp mạng. Con nai đầu đàn này không những không thông cảm với hoàn cảnh của nai mẹ mà còn rầy la, quở mắng và buộc nai mẹ phải đi nộp mạng trong ngày theo thời hạn và không được trì hoãn. Nai mẹ hai dòng lệ chảy dài, cúi đầu vâng theo, buồn tủi ra đi. Ra đến bìa rừng, nai mẹ gặp nai đầu đàn của đàn nai còn lại (tiền thân của đức Phật), nai đầu đàn này nhìn thấy nai mẹ mắt lệ tuôn trào, lầm lũi bước đi. Sau khi hỏi thăm sự tình và nghe nai mẹ trình bày sự việc, nai đầu đàn cảm thông nổi khổ và tình thương mẫu tử bao la của nai mẹ. Tâm đại từ bi cứu khổ nạn phát sinh, nai đầu đàn liền nguyện chết thay cho nai mẹ, khiến nó rất vui mừng, cảm phục nai đầu đàn vô cùng và cúi đầu lạy tạ. Sau khi từ giã đàn nai thân thương của mình, nai đầu đàn ung dung tiến thẳng về cung thành để nộp mạng. Khi vào hoàng  cung, từ xa nhìn thấy nai đầu đàn, nhà vua rất kinh ngạc và hỏi rõ mọi sự tình. Khi nghe nai đầu đàn thuật lại, nhà vua rất kính phục và thầm nghĩ rằng, thân mình là một đấng quân vương mà không có lòng bao dung, đại từ bi như con nai đầu đàn này. Cảm phục trước tấm lòng đại bi ấy của nai đầu đàn, nhà vua đã sai người thả nai đầu đàn về, đồng thời tự hứa từ nay sẽ không dùng thịt nai nữa và ra lệnh cho người bảo vệ khu vườn không cho bất kì ai đến khu rừng ấy quấy phá đàn nai nữa. Từ thuở đó cho đến ngày nay, khu rừng được mọi người gọi bằng cái tên thân thiện là Sarnath (vua của loài nai).

2. Lịch sử thăng trầm của thánh tích Sarnath

Lịch sử Sarnath đã được biết đến từ rất xa xưa, thuở đức Phật Thích-ca còn là vị Bồ-tát hóa thân tu tập trong loài nai nơi khu rừng hoang dã. Sarnath còn được biết đến qua Kinh tạng, đó là nơi thiêng liêng mà chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều chọn nơi đây làm chiếc nôi của Phật giáo để khai sinh giáo pháp giác ngộ, cứu khổ độ sanh. Thánh tích Sarnath cũng được biết qua huyền thoại về 500 vị Phật nhập Niết-bàn giữa hư không bỏ lại xác thân tứ đại ở nơi này với bảo tháp tưởng niệm. Sarnath lại được biết sẽ là nơi thiêng liêng đón chào đức Phật Di Lặc chuyển pháp luân, thiết lập Long Hoa hội sau này, vì cũng chính tại thánh địa này, đức Phật Thích-ca đã thọ kí cho Ngài là sẽ thành Phật hiệu là Từ Thị Như Lai.2
Không những thế, thánh tích Sarnath càng được nổi danh hơn vì vùng đất này tọa lạc trong một địa danh nổi tiếng nhất của Ấn Độ, đó là vương thành Banares (Ba-la-nại), thành phố Vanarasi  nằm bên cạnh sông Hằng, dòng sông thiêng liêng và huyền bí nhất của người dân xứ Ấn. Thành phố Vanarasi được mệnh danh là thành phố tâm linh, là Kinh đô ánh sáng, là trung tâm của tư tưởng và học thuật cao nhất của Ấn Độ. Hơn thế nữa, thành phố này cũng là trung tâm thương mại, mà nổi tiếng nhất là mặt hàng tơ lụa. Tơ lụa ở Banares nổi danh cả thế giới và đã hình thành con đường tơ lụa xuất khẩu tơ lụa đến mọi nơi trên thế giới từ mấy ngàn năm đến tận bây giờ. Khi hành hương chiêm bái các thánh tích của Phật giáo, một học giả gốc Việt, sinh sống tại Châu Âu có viếng thăm thành phố này đã nhận xét rằng: “Trên thế giới có những thành phố cổ như Theben ở Ai-cập, Ninive hay Babylon ở Ba Tư. Chúng thành hình cả ngàn năm trước công nguyên, thậm chí 1700 năm như Babylon, kinh đô rực rỡ một thời của miền Trung Á. Thế nhưng về mặt cổ xưa, các thành phố đó lu mờ trước Varanasi, thành phố xuất hiện khoảng 3000 năm trước công nguyên. Có lẽ Varanasi chỉ thua kinh đô Trường An của Trung Quốc với số tuổi 6000 năm khả kính. Khoảng năm 900 trước công nguyên, những người dòng Arya của Ấn Ðộ đến Varanasi, biến nơi đây thành một kinh đô hùng mạnh về thương mại cũng như tư tưởng học thuật. Và Varanasi phồn vinh tới ngày hôm nay, trải qua gần 5000 năm lịch sử, trong lúc nhiều thành phố cổ khác đã điêu tàn.”3

* Thời hoàng kim của thánh tích Sarnath

Không phải ngẫu nhiên hay vô tình mà đức Phật Thích-ca đã chọn Sarnath để chuyển vận bánh xe pháp, đem ánh sáng giải thoát giác ngộ đến cho nhân loại, mà có lẽ đấy là truyền thống nhiều đời của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều chọn vùng đất này thiết lập ba ngôi báu, thiết lập chánh pháp, hình thành chiếc nôi của Phật giáo. Qua kinh tạng, chúng ta biết được rằng vô lượng kiếp chư Phật trong quá khứ từ đức Phật Ca Diếp, đến đức Phật Thích-ca trong hiện tại và cả đức Phật Di Lặc ở vị lai đã, đang và sẽ chuyển vận bánh xe Pháp lần đầu tiên tại thánh tích Sarnath này.4

Hơn thế nữa, phải chăng nơi đây là trung tâm của mọi tư tưởng và học thuật, là thành phố tâm linh của người dân xứ Ấn, nên đức Phật đã quyết định chuyển pháp luân tại đây, đem ánh sáng giác ngộ xóa tan những luận lý mơ hồ, những học thuyết thiên chấp về thần quyền, về giai cấp, về chủ nghĩa đoạn diệt ép xác khổ hạnh, hay buông lung trong lạc thú của trần gian… Để hình thành nên một trung tâm Phật giáo đầu tiên trên thế giới.

Theo lịch sử của đức Phật Thích-ca, sau khi chuyển vận bánh xe pháp, hình thành ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng tại nơi này, Ngài đã lưu lại đây để an cư trong ba tháng đầu tiên, thuyết giảng chánh pháp giải thoát cho nhân loại. Sau đó Ngài đã vân du khắp mọi nơi trên xứ Ấn, để hoằng dương chánh pháp, giáo hóa độ sanh. Trên bước đường hoằng pháp ấy, rất ít khi đức Phật trở lại thánh tích này. Tuy nhiên, suốt cuộc đời của Ngài, Sarnath đã trở thành một trong sáu trung tâm học Phật lớn nhất thời ấy, có số lượng chư Tăng và Phật tử rất đông. Điều ấy chúng ta bắt gặp qua lời thưa thỉnh của tôn giả A-nan. Sau khi nghe đức Phật tuyên bố trong ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn tại rừng cây Ta-la song thọ, thuộc thành Kusinagar, đức Anan đã ngấn lệ thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, còn có những thành lớn khác. Một là Chiêm-bà, hai là Xá-vệ, ba là Bệ-xá-ly, bốn là Vương xá, năm là Ba-la-nại, sáu là Ca-tỳ-la-vệ. Sao Thế Tôn không nhập Niết-bàn ở các nơi ấy, mà quyết định tại thành bằng đất nhỏ hẹp này, một thành nhỏ hẹp nhất trong các thành?”5

Khoảng 200 năm sau thời đức Phật, đến thời vua Aśoka (A-dục vương) (304-269 TCN), một vị vua có công nhất trong lịch sử ủng hộ và truyền bá Phật pháp. Vua Aśoka không những đem giáo pháp của đức Phật truyền bá và áp dụng trong đời sống của toàn dân Ấn Độ, mà còn truyền giáo pháp của Ngài đến nhiều nước khác bên ngoài Ấn Độ. Sau khi vứt bỏ thanh gươm chinh phạt, chém giết đầy tội lỗi, nhà vua đã quay đầu về Phật pháp, từ bỏ đời sống của một vị vua hung tàn “Ác vương A-dục” để trở thành vị vua thánh thiện “Hộ pháp A-dục”, trở thành một trong những vị vua nổi danh nhất trong lịch sử của nhân loại. Vua Aśoka đã phát tâm đi đảnh lễ tất cả các thánh tích của Phật giáo, đồng thời cho người kiến lập vô số các bảo tháp, tu viện, chùa chiền, trụ đá, bia kí… để hoằng dương chánh pháp. Lịch sử cho biết có đến 84000 ngôi bảo tháp được kiến tạo trên toàn lãnh thổ Ấn Độ; hầu hết những di tích như bảo tháp, tu viện, trụ đá…  ở Sarnath hiện nay phần lớn được xây dựng dưới thời của vua Aśoka. Điều ấy chứng tỏ rằng thánh tích Sarnath thời ấy cũng được vua Aśoka ủng hộ hết lòng, và nơi ấy vẫn là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trên toàn cõi Ấn Độ.

Gần 300 năm sau thời vua Asoka, đến thời vua Kanishka (Ca-nị-sắc-ca, khoảng đầu thế kỉ thứ II AD, một vị vua Phật tử thuần thành), các giáo phái ngoại đạo nổi lên, họ lấy giáo lý giải thoát của đức Phật trộn lẫn vào lý thuyết của họ, cho đó là giáo lý giải thoát của mình… làm cho chánh tà xen tạp, lòng người hoang mang, không biết đâu là Phật pháp chính tông để áp dụng tu tập. Trước tình hình đó, vua Kanishka đã cung thỉnh các bậc Tỳ-kheo trưởng lão chân tu, tinh thông giáo pháp đứng ra tổ chức kiết tập lại kinh điển, làm cho Phật pháp được hiển minh, không để sự xen tạp của các tà thuyết làm mơ hồ. Dưới sự ủng hộ nhiệt tâm của vua Kanishka, giáo pháp của đức Phật đã được soạn thành văn tự, biên chép thành sách lần đầu tiên trong lịch sử kinh tạng Phật giáo; đây là kỳ kiết tập kinh điển lần thứ tư. Dưới thời đại của vua Kanishka, Phật giáo nói chung, cũng như thánh tích Sarnath nói riêng rất hưng thịnh. Trong những cuộc khảo cổ, nhiều đồng tiền cổ được phát hiện trong ấy có hình tượng đức Phật, được đúc dưới triều đại của vua Kanishka, điều ấy có thể khẳng định rằng Phật giáo được xem như tôn giáo của quốc gia dưới triều đại của ông. Riêng tại thánh tích Sarnath, nhà vua đã cho trùng tu lại những tu viện cũ, xây thêm những tu viện mới, và đúc nhiều tượng Phật để góp phần phát triển thánh tích này. Một bia kí đào được ở Sarnath thuộc triều đại của vua Kanishka, do Tỳ-kheo Bala đã khắc như sau: “Thành Ba-la-nại nằm dưới sự thống trị của Đại vương Ca-nị-sắc-ca và do một phó vương dưới quyền của ngài. Có thể nói hầu hết các đại vương đều có doanh trại ở Mathura. Tỳ-kheo Bala và Pusyabuddhi thuộc gia đình hoàng gia. Họ đã hành hương chiêm bái những Thánh tích Phật giáo và cúng dường tượng ở những nơi mà họ đến chiêm bái.”(7) Qua những trình bày trên cho thấy thánh tích Sarnath dưới triều của vua Kanishka rất hưng thịnh, là nơi quy ngưỡng của mọi người từ vua, quan, cho đến mọi thần dân.

Sau thời vua Kanishka, đất nước Ba-la-nại có các vị vua khác nối ngôi cai trị, hầu hết những vị này không ủng hộ Phật pháp nhiều, vì họ theo tín ngưỡng Bà-la-môn giáo. Tuy nhiên, thánh tích Sarnath trong giai đoạn này (thế kỉ II –VI AD) vẫn là một trung tâm tu học lớn của Phật giáo, nhưng không được phát triển bằng những thời kì trước kia. Giữa thế kỉ VII AD, ngài Huyền Trang (595-664) sang Ấn Độ du học, khi đến chiêm bái thánh tích này đã mô tả trong cuốn kí sự của mình:

“Phía Đông Bắc của sông Ba-la-nại đi hơn mười dặm, đến chùa Lộc Dã. Trong khu vực chia ra làm tám phần liên hệ với nhau, nhà cửa lầu các tráng lệ quy mô. Tăng sĩ  sống hơn 1500 người, tu theo Chánh Lượng Bộ thuộc Tiểu thừa. Trong thành lớn có một Tinh xá cao hơn 200 feet (60 m). Phía bên trên tạo hình một trái xoài được thếp màu vàng. Đá nhiều tầng chồng chất tạo thành. Đá chất lên bốn bên như thế cả hàng trăm miếng, mỗi miếng đều có chạm tượng Phật màu vàng. Ở trong Tinh xá đó, có một tượng Phật bằng đá gần bằng thân của đức Như Lai, tạc theo tư thế chuyển pháp luân. Phía Tây Nam Tịnh xá có một bảo tháp bằng thạch do vua A-dục dựng lên, đã hư hoại, chiều cao hơn 100 feet (30 m). Phía trước đó có dựng một trụ đá cao hơn 70 feet (25 m). Đây là thạch ngọc cho nên có ánh sáng phản chiếu rất đẹp. Người nào có tâm đến cầu phước, ảnh của mình sẽ chiếu lên các tượng và thấy rõ tướng Thiện Ác. Đây là nơi Như Lai thuyết pháp lần đầu tiên sau khi thành đạo.”(8)

Qua sự mô tả của ngài Huyền Trang cho ta biết rằng, thánh tích Sarnath vào giai đoạn này vẫn còn phát triển, mọi lầu các, tu viện vẫn còn tráng lệ và quy mô, các Tỳ-kheo ở đó có hơn 1500 người... như thế nơi đây vẫn là một trung tâm Phật giáo thịnh hành, một thánh tích thiêng liêng để mọi người quyngưỡng.

Như vậy, lịch sử của thánh tích Sarnath từ thời của đức Phật đến thế kỉ thứ VII AD, trải qua hơn một ngàn năm vẫn còn là một thánh tích thiêng liêng, một trung tâm tu học lớn của Phật giáo; là thánh địa trang nghiêm thanh tịnh cho hàng ngàn chư Tăng thúc liễm thân tâm tu tập giải thoát, là nơi quy ngưỡng của những bậc đế vương như Asoka, Kanishka.... là suối nguồn của giải thoát từ bi, tắm mát cho hàng vạn dân xứ Ấn. Thời kì này có thể gọi là thời hoàng kim của thánh tích Sarnath.

* Thời suy tàn của thánh tích Sarnath

Nếu thánh tích Sarnath có hơn một ngàn năm để phát triển huy hoàng (từ thời đức Phật đến thế kỉ VIII), thì cũng có cả ngàn năm bị điêu tàn, lãng quên và chôn vùi trong cát bụi. Từ thế kỉ thứ VIII đến thế kỉ XVIII, lịch sử của Sarnath là những trang sử bi thương. Thế kỉ VIII trở đi, thánh tích Sarnath hầu như ít được mọi người biết đến, có lẽ thời điểm này sự tu tập và hoằng pháp ở nơi đây không được phát triển; lại thêm các triều đại lúc ấy do các vị vua theo Ấn giáo cai trị, những vị vua này không những không ủng hộ Phật giáo mà còn cho xây những ngôi đền Ấn giáo bên cạnh thánh tích Sarnath, từ đó tạo sự lấn áp của Ấn giáo. Sự thiếu ủng hộ của vua quan, quần chúng... đã làm cho Sarnath ngày càng mai một và bị lãng quên.
Trang sử bi thương và kinh khiếp nhất của thánh tích Sarnath thật sự bắt đầu từ sự xâm lược của các đội quân Hồi giáo cực đoan. Năm 1193 cầm đầu đội quân tàn ác ấy là vua Mahommada, sau khi xâm lược Ấn Độ, đội quân hung tàn này đã chém giết và phá sạch tất cả những công trình kiến trúc của các tôn giáo khác. Vua Mahommada đã tuyên bố chấm dứt triều đại Ấn giáo và lập nên vương triều Hồi giáo. Trong những lần xâm lược của các đội quân hung tàn ấy có đến hàng vạn tu sĩ của Phật giáo và Ấn giáo bị giết hại, hàng ngàn chùa tháp, tu viện, đền đài bị đập phá và đốt sạch; những thánh tượng của đức Phật, Bồ-tát đều bị tàn phá, đập nát và chôn vùi hết sức vô lương tâm. Hầu hết những thánh tích nổi tiếng của Phật giáo như Bồ-đề-Đạo tràng, Sarnath... đều bị hủy diệt; chỉ riêng Viện đại học Phật giáo Nalanda, toàn bộ kho tàng kinh sách, thư viện, đền đài, phòng xá... bị tàn phá và đốt cháy ròng rã nửa năm !!!
Sau khi hủy diệt những đền đài, tu viện, chùa tháp... quân Hồi đã bắt dân chúng xây dựng những đền đài Hồi giáo ngay trên các thánh tích và tu viện này. Thánh tích Sarnath ngày ấy hầu như đã xóa sổ và hoàn toàn bị chôn vùi  trong cát bụi.
Sự độc tôn và tàn ác của Hồi giáo cực đoan cai trị vùng đất này đến thế kỉ XVIII. Sau đó người Ấn giáo đứng lên giành lại chính quyền. Giai đoạn đen tối của Phật giáo tưởng đã đi qua, nhưng tín đồ Ấn giáo cũng độc tôn, tiếp tục nổi lên đập phá toàn bộ những thánh đường Hồi giáo và cho xây dựng đền Ấn giáo ngay trên những vùng đất ấy. Phật giáo nói chung hay thánh tích Sarnath ngày ấy nói riêng vẫn tiếp tục chìm trong bóng tối.
Người Ấn giáo tuy không hiếu chiến như người Hồi giáo cực đoan, nhưng niềm tin tôn giáo và tính bảo thủ của họ mạnh mẽ, do vậy Phật giáo vẫn chưa có cơ hội phục sinh ngay trên mảnh đất sản sinh ra nó. Thậm chí cho đến ngày nay, tính bảo thủ ấy vẫn còn rất mạnh, hầu như các nơi trên xứ Ấn, hễ nơi nào có một ngôi đền, nhà thờ hay tu viện của các tôn giáo khác xây dựng lên thì người Ấn sẽ xây một đền thờ Ấn giáo bên cạnh để kìm hãm sự phát triển của tôn giáo ấy. Như vậy, sự phục hưng của Ấn giáo cũng như sự chấm dứt của vương triều Hồi giáo bạo tàn cũng không làm cho Phật giáo hồi sinh được và suốt những thế kỉ ấy thánh tích Sarnath vẫn còn ngủ quên cùng cát bụi thời gian. Qua sự tìm hiểu trên, chúng ta thấy rằng thánh tích Sarnath từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 18, trải qua cả ngàn năm đi từ suy tàn đến hoại diệt. Khoảng thời gian ấy có thể gọi là thời suy tàn của thánh tích Sarnath.

* Thời kì hồi sinh và phát triển trở lại của thánh tích Sarnath


Thánh tích Sarnath tuy bị chôn vùi trong cát bụi, bị sự lấn áp và che phủ của cỏ dại, cây rừng... nhưng lại ẩn chứa trong lòng những bảo vật, những tranh tượng vô giá cũng như một khối lượng khổng lồ gạch đá ở đây. Do vậy vào cuối thế kỉ 18, người dân Ấn giáo thường xuyên vào nơi đây để khai thác tìm bảo vật cũng như đào xới khu vực này để lấy gạch đá về xây nhà cửa, dinh thự...  Trước tình hình ấy, năm 1798, chính quyền Ấn Độ công nhận thánh tích Sarnath là khu di tích quốc gia và nghiêm cấm mọi sự đào xới của cá nhân. Khu di tích Sarnath bắt đầu được mọi người trong nước và thế giới biết đến qua các cuộc khai quật khảo cổ của Alexander Cunningham, nhà khảo cổ nổi tiếng người Anh, cũng như những nhà khảo cổ nổi tiếng khác. Sự phát hiện những nền móng tu viện, chùa tháp, trụ đá, bia kí... và hàng trăm tranh, tượng của đức Phật, Bồ-tát... như là những chứng cứ hùng hồn, góp một tiếng nói quan trọng cho cộng đồng Phật giáo trên thế giới cũng như sự quan tâm của các học giả trí thức... tìm về chiêm ngưỡng.

Nhưng tất cả những điều ấy chưa làm cho thánh tích Sarnath cũng như Phật giáo ở nơi này hồi sinh. Thánh tích Sarnath thật sự hồi sinh, phát triển trở lại và được cộng đồng Phật tử khắp nơi trên thế giới biết đến qua sự xuất hiện của ngài Dhammapāla. Ngài Dhammapāla là một danh Tăng nổi tiếng người  Sri Lanka trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước này, không những thế, Ngài còn hoằng dương Phật pháp đến các nước phương Tây, Ngài là người đứng ra vận động chư Tăng và Phật tử trên thế giới thành lập hội Maha Bodhi để đòi lại thánh tích Bồ-đề Đạo tràng từ trong tay những người Ấn giáo. Năm 1891, ngài Dhammapāla đến thánh tích Sarnath, nhìn thấy cảnh tượng điêu tàn của khu thánh tích, cũng như Phật giáo ở nơi này, đau lòng trước cảnh ấy, Ngài đã phát nguyện ở lại nơi này vận động cộng đồng chư Tăng và Phật tử khắp nơi trên thế giới quan tâm và ủng hộ. Riêng bản thân, Ngài đã vận động xây dựng một ngôi chùa nổi tiếng ngay cạnh thánh tích này. Với những công trình Ngài đã thực hiện và đóng góp ở nơi đây, chính phủ Ấn Độ đã ghi ân bằng cách lấy tên Ngài đặt tên cho một con đường ở đây và đem xá-lợi Phật khai quật được ở Taxila, Nagarjuni Konda, hiến tặng Ngài để tôn thờ trong chùa này. Cộng đồng chư Tăng và Phật tử các nước trên thế giới đã đến chiêm bái thánh tích này và xây dựng những ngôi chùa đại diện của nước mình gần thánh tích Sarnath và cùng chung lo Phật sự, góp phần làm cho Phật giáo ở nơi đây được phát triển trở lại. Cho đến ngày nay, thánh tích Sarnath được chính phủ Ấn Độ cùng cộng đồng Phật tử nơi đây bảo vệ. Thánh tích Sarnath đã thật sự chuyển mình sau giấc ngủ ngàn thu và phát triển trở lại, trở thành một trong những thánh tích thiêng liêng và nổi tiếng nhất của cộng đồng Phật giáo hiện nay. Hàng năm thánh tích này đã quy tụ hàng triệu người con Phật từ khắp nơi trên thế giới trở về để chiêm bái, tụng kinh, tọa thiền và trải lòng mình để đón nhận những âm vang của bài pháp Tứ Diệu Đế trong một khu vườn thiêng liêng, tú lệ bên cạnh những chú nai gặm cỏ hiền lành.■

Chú thích:
1. Xem Đại Đường Tây Vực Ký, Quyển 7, TT. Thích Như Điển dịch.
2. Xem Sđd.
3. Mùi Hương Trầm, Tập II: Suối nguồn thiêng liêng, Tr.49,50. Nguyễn Tường Bách.
4. Xem Kinh Trường A-hàm, Kinh Đại Bản Duyên, TT. Tuệ Sỹ  dịch và chú giải.
5. Kinh Trung A-hàm, Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Tr.1, TT. Tuệ Sỹ  dịch và chú giải.

7. Thiện Phúc, Thiên Trúc Tiểu Du Kí, tr.32
8. Xem Samuel Beal, Buddhist Recordeds Of The western World, First Published 1884, Printed in India, Part II, Book VII, p.45,46.
phái đoàn "Theo Dấu Chân Phật"


      **  **  **  ** phần sau đây được bổ túc bởi Thầy Quảng Phước **  **  **  **
nhân dịp hướng dẫn phái đoàn hành hương "Theo Dấu Chân Phật", tháng 10, 2009

* Các chùa và tự viện gần thánh tích Sarnath:
Đến với thánh tích Sarnath ắt hẳn không ai không viếng thăm ngôi chùa Mulagandhakuti. Chùa nằm sát bên thánh tích Sarnath, do ngài Dharmapala, một danh Tăng nổi tiếng (như đã đề cập ở trước) xây dựng vào năm 1931. Ngôi chùa được kiến tạo theo mô hình chùa tháp của Srilanka, nhưng lại được sự ủng hộ của các hội Phật giáo lớn trên thế giới như Anh quốc, Nhật Bản... từ đó kiến tạo nên một ngôi chùa đầy ý nghĩa, xinh đẹp, to lớn và trang nghiêm. Ngôi chùa không những nổi tiếng vì được xây dựng gần thánh tích thiêng liêng, không những được bậc danh tăng Dharmapala xây dựng, cộng đồng Phật giáo quốc tế ủng hộ... hơn nữa ngôi chùa còn thờ xá lợi của đức Phật. Xá lợi này được phát hiện trong lúc khảo cổ ở Taxila, Nagarjuni Konda, do chính phủ Ấn Độ bảo vệ. Cảm niệm công đức của Ngài Dharmapala, cũng như sự quan tâm của cộng đồng Phật giáo quốc tế, chính phủ Ấn đã hiến tặng Xá lợi này cho chùa.
Hằng năm vào ngày khánh thành ngôi chùa, xá lợi Phật này được rước qua những con đường chính tại Sarnath. Đám rước được tổ chức long trọng và trang nghiêm, có sự tham dự của hầu hết chư Tăng và Phật tử ở các chùa xung quanh thánh tích, như: Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện...
Hơn thế nữa trong khuôn viên chùa Mulagandhakuti còn có cây Bồ-đề nổi tiếng được mang từ Srilanka sang, đây được xem là hậu thân thứ ba của cây Bồ-đề thiêng tại Bồ-đề-đạo-tràng.4 Trước cây Bồ-đề này, có tượng đức Phật đang thuyết bài pháp đầu tiên và tượng năm anh em Kiều-trần-như ngồi xung quanh đang lắng nghe, tư duy về bài pháp Tứ Diệu Đế... tất cả những nhân duyên ấy đã làm ngôi chùa Mulagandhakuti không những nổi tiếng ở Sarnath, ở Ấn Độ, Sirilanka... mà còn vang danh trên thế giới.
Ngoài ngôi chùa Mulagandhakuti, xung quanh thánh tích Lộc Uyển còn có rất nhiều ngôi chùa khác của Phật giáo các nước trên thế giới, như các chùa và tu viện của Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Miến Điện v.v... mỗi một ngôi chùa được xây dựng rất trang nghiêm, đại diện cho truyền thống tu tập và văn hóa của nước mình... tất cả điều ấy đã góp phần làm cho thánh tích Sarnath ngày một phát triển và hưng thịnh hơn.
Dòng sông Hằng vẫn lặng lẽ êm trôi giữa lòng xứ Ấn như muốn cuốn trôi những nền văn minh cổ kính; đã qua rồi vương thành Ba-la-nại một thời vang vọng; thánh tích Sarnath cũng qua rồi một thời hoàng kim dưới sự ủng hộ chí thành của các bậc đế vương; cũng giả từ sự tàn phá của đội quân Hồi khát máu và hung tàn; để rồi đến nay thánh tích Sarnath đã thật sự hồi sinh trở lại.
Ngày nay, đến với thánh tích Sarnath chính là trở về quê hương của cội nguồn giải thoát, là chiếc nôi hình thành Tam bảo giửa thế gian. Chúng ta đến với thánh tích Sarnath để cảm nhận được lòng từ bi vô hạn của đức Thế Tôn trong tiền kiếp từng tu tập đạo Bồ-tát trong loài nai; đến với thánh tích Sarnath để lắng lòng đón nhận dư âm của bài pháp giải thoát đầu tiên về bốn chân lý tuyệt diệu hay con đường trung đạo để bước đi đúng hướng giữa cuộc đời. Và đến với thánh tích Sarnath để chí thành đảnh lễ một thánh tích thiêng liêng, nơi đức Thế Tôn đã thiết lập Ba ngôi báu để chúng ta có nơi nương tựa tu tập vững chắc giữa cuộc đời đầy tang thương và biến động này.
Thích Quảng Phước
1 Xem Samuel Beal, Buddhist Recordeds Of The western World, First Published 1884, Printed in India, Part II, Book VII, p.45-46. 
Phần trên cùng của trụ đá có hình bốn con sư tử nhìn ra bốn hướng rất oai hùng được xem như quốc bảo của Ấn Độ và được bảo quản trong viện bảo tàng quốc gia ở Sarnath. Dưới chân của bốn con sư tử là một bệ đá có hình cái trống có chạm khắc xung quanh hình bốn con vật: sư tử, voi, bò và ngựa; giữa bốn con thú ở bốn hướng có chạm hình bốn bánh xe pháp luân. Hình tượng của trụ đá này được chọn làm quốc huy của nước Ấn Độ và được đúc lên trên các đồng tiền Ấn. Đặc biệt là hình tượng bánh xe pháp luân đã được chính phủ Ấn chọn làm biểu tượng thiêng liêng nhất của quốc gia và in trên quốc kì tung bay trên khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Đó là quyết định đầy trí tuệ và dũng mãnh của vị thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru:
“Quyết nghị rằng quốc kì của Ấn Độ sẽ gồm ba dãi màu: vàng nghệ, trắng và xanh lá cây đậm nằm ngang cân đối nhau. Giữa dãi màu trắng sẽ là bánh xe màu xanh nước biển, tượng trưng cho Chakra. Mẫu bánh xe này lấy theo mẫu bánh xe nằm trên đỉnh của trụ đá đầu hình sư tử của vua A-dục tại Sarnath... khi đề cập đến tên tuổi của A-dục, tôi muốn các vị biết rằng giai đoạn A-dục vốn là một giai đoạn quốc tế của lịch sử Ấn Độ. Đó không phải là mội giai đoạn quốc gia nhỏ hẹp. Đó là một giai đoạn khi mà các nhà đại xứ của Ấn Độ được gởi đi khắp nơi đến tận những đất nước xa xôi, không phải theo lối của một đế quốc, mà họ là những vị xứ giả của hòa bình, của thiện chí và văn hóa.”
* Dharmarajika Stupa (tháp Dharmarajika):
Nếu tháp Chaukhandi được xây dựng để tưởng niệm nơi đức Thế Tôn gặp lại năm anh em Kiều-trần-như, thì tháp Dharmarajika được xây dựng để tôn thờ xá lợi của đức Phật. Sau khi thống nhất toàn cõi Ấn Độ, từ giả cuộc đời của một bạo chúa hung tàn để trở thành một vị vua hộ pháp, Đại đế A-dục đã khuyến khích toàn thể thần dân nước mình qui y Tam bảo và sống theo tinh thần của Chánh pháp. Nhà vua đã ra chỉ thị và cho người thu thập tám phần xá lợi của đức Phật 2 bị phân tán khắp nơi trên toàn cõi Ấn Độ lại, sau đó chia thành một ngàn phần và xây một ngàn ngôi bảo tháp để tôn thờ xá lợi này tại các thánh tích Phật giáo và ở các trung tâm phát triển của Ấn Độ, cho mọi người được chiêm ngưỡng và lễ bái. Tháp Dharmarajika là một trong một ngàn ngôi bảo tháp ấy.
Theo sử các sử liệu Sarnath, vào năm 1794, ông Jagat Singh, một tín đồ Ấn giáo, ở Ba-la-nại. Trong lúc xây dinh thự của mình, ông đã cho người đến chở gạch đá ở đây, trong khi đào gạch ở tháp này, ông đã tìm thấy một hộp đá bằng cẩm thạch đựng xá lợi tro, rất có thể là xá lợi tro của đức Phật. Theo nghi thức của Ấn giáo, ông đã đem xá lợi tro này thả xuống dòng sông Hằng. Ngoài ba tháp chính vừa đề cập trên, còn có rất nhiều các tháp nhỏ và các nền tháp khác trong vườn Lộc Uyển thiêng liêng này.
Căn cứ theo nền móng và các kiến trúc còn lại của bảo tháp Dharmarajika, các nhà khảo cổ cho biết rằng bảo tháp được xây theo hình bán cầu, một kiểu kiến trúc đặc sắc theo nghệ thuật tháp cổ của Ấn Độ. Nền móng hiện nay của tháp có hình tròn, đường kính 13,5 mét. Ngôi bảo tháp này ngày xưa ắt hẳn cao lớn và và hùng vĩ lắm. Nhưng tiếc thay dưới sức tàn phá của thời gian, những cuộc chiến tranh kì thị tôn giáo, cũng như sự đào xới lấy gạch và tìm cổ vật của người dân địa phương... ngôi bảo tháp hiện chỉ còn lại một nền gạch lớn hình tròn với những kiến trúc hoa văn điêu tàn xót lại nơi nền móng, chứng minh cho sự hưng thịnh một thời của một khu thánh địa thiêng liêng.
Sau khi chứng đắc Vô thượng Bồ-đề tại Bồ-đề-đạo-tràng, đức Thế Tôn đã lên đường thẳng đến Sarnath để chuyển vận bánh xe pháp, hóa độ năm anh em Kiều-trần-như. Tại địa điểm thiêng liêng, nơi đức Thế Tôn gặp lại năm anh em Kiều-trần-như có một ngôi bảo tháp hình bát giác tên là Chaukhandi.
Theo sự xác định của các nhà khảo cổ, tháp Chaukhandi được xây dựng vào thời đại của vương triều Gupta (thế kỉ thứ IV đến thế kỉ thứ VI sau Tây lịch). Tháp được xây để tưởng niệm nơi năm anh em Kiều-trần-như đã nghênh đón đức Thế Tôn.
Trong các loại kiến trúc về hình dạng của các bảo tháp xưa nay, có lẽ tháp Chaukhandi có hình dạng đặc thù nhất. Tháp có hình bát giác lại được xây trên một khu đồi rất cao, xung quanh khu đồi được xây bằng gạch. Ngày xưa, ngôi bảo tháp có thể có hình dạng khác bây giờ. Theo sự biến thiên của thời gian, cũng như trải qua những cuộc chiến tàn khốc của quân Hồi... ngôi bảo tháp đã bị đổ nát và tàn phá.
Tìm trong kí sự của ngài Huyền Trang (Đại Đường Tây Vực Kí) cũng như các sử liệu liên quan, chúng ta chưa thấy có sự mô tả nào về hình dạng của ngôi bảo tháp trong thời gian ban đầu, nên không biết được tháp Chaukhandi ngày xưa có hình dạng gì.
Bảo tháp có hình bát giác mà chúng ta thấy ngày nay được xây dựng vào năm 1588, do Govardhan, con trai của Raja Todarmal (một vị vương công ở Ấn Độ) phát tâm kiến tạo. Govardhan kiến tạo ngôi bảo tháp này để tưởng niệm chuyến viếng thăm thánh tích này của đại đế Mông Cổ Humayun (1508-1556). Vì vậy ngôi bảo tháp có hình dạng của một ngôi chùa tháp hình bát giác theo kiến trúc của Mông Cổ. Ngày nay ngôi bảo tháp đang được trùng tu lại và nằm trong một khuôn viên rộng lớn và yên tỉnh. Xung quanh khuôn viên được trồng các thảm cỏ và cây xanh, và được sự bảo vệ của chính phủ Ấn Độ.
Giống như tháp Dhamekh, hằng năm, bảo tháp Chaukhandi luôn đón chào hàng trăm phái đoàn hành hương của người con Phật trên khắp thế giới trở về chiêm bái, tụng kinh, tọa thiền và kinh hành suốt năm.
Bước vào thánh tích Sarnath, có lẽ hình ảnh uy nghiêm và to lớn của tháp Dhamekh là hình ảnh đầu tiên thu hút chúng ta nhất, đây cũng là bảo tháp nổi bậc nhất trong vườn Lộc Uyển này. Tháp Dhamekh được các nhà khảo cổ xác định xây dựng vào năm 300 trước Tây lịch, khoảng triều đại vua A-dục. Chiều cao của tháp hiện tại là 31,1 mét; với đường kính bên dưới là 28,3 mét, lại được xây dựng trên một nền đất cao, càng làm cho ngôi bảo tháp trở nên hùng vĩ và trang nghiêm hơn.
Theo truyền thuyết thì lúc đầu bảo tháp này được xây dựng với kích thước nhỏ hơn hiện tại, để tôn thờ xá lợi của đức Phật. Nhưng theo thời gian, qua lòng tịnh tín của người con Phật, ngôi bảo tháp được tô đắp và xây dựng thêm lên để bảo vệ xá lợi Phật, cho đến nay thì ngôi bảo tháp trở nên cao lớn và vĩ đại như thế.
Xung quanh ngôi bảo tháp Dhamekh, cách mặt đất khoảng 10 mét, có tám bệ lớn thờ tượng Phật, các tượng thờ trong các bệ này có kích cỡ lớn như người thật... tuy nhiên các tượng Phật trên các bệ ấy ngày nay không còn. Đây là bảo tháp thờ xá lợi của đức Phật lại nằm trên thánh địa thiêng liêng nên bảo tháp ấy được hàng triệu người con Phật khắp nơi trên thế giới trở về để đảnh lễ, tụng kinh, hữu nhiễu và kinh hành suốt năm.


No comments:

Post a Comment