Saturday, April 16, 2011

Các Danh Hiệu của Đức Phật

Mỗi Đức Phật đều có danh hiệu riêng, có ý nghĩa riêng, gọi là biệt hiệu. Ngoài biệt hiệu đó ra, tất cả chư Phật cùng có đầy đủ mười tôn hiệu chung, xin nêu ra tên và ý nghĩa như sau:

1. NHƯ LAI:  "Như như bất động, lai thành Chánh Giác, tức thuyết Như Lai"
"Như" nghĩa là đạo như thật, tức là tất cả pháp tánh. Pháp thân của Phật từ nơi đạo như thật mà đến, nên Phật có tôn hiệu là Như Lai.


2. ỨNG CÚNG:
Phật đã đoạn trừ trọn vẹn ba loại hoặc, vĩnh viễn thoát khỏi hai loại sanh tử, muôn đức tôn nghiêm, phước huệ đầy đủ, xứng đáng với sự cúng dường của khắp chín cõi, mà người cúng dường lại được phước, nên Phật có tôn hiệu là Ứng Cúng.



3. CHÁNH BIẾN TRI:
Ngoại đạo chấp trước vào hai cái thấy đoạn diệt và thường hằng, sự hiểu biết của họ chỉ là tà vạy chứ không chính đáng; hàng Nhị Thừa thì tham trước vào "KHÔNG"; hàng Bồ Tát thì chưa đạt được đến tận cùng nguồn gốc.

Các hạng trên tuy có thấy biết nhưng không biến khắp, chỉ có cây đuốc Trí Tuệ của Phật mới chiếu soi tất cả các pháp, không những chân chánh mà còn biến khắp, nên Phật có tôn hiệu là Chánh Biến Tri.

4. MINH HẠNH TÚC:
"Minh" là ba minh, tức là Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh. Ba minh thuộc về TUỆ.
"Hạnh" là năm hạnh, tức là Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Anh nhi hạnh, Bệnh hạnh. Năm hạnh thuộc về PHƯỚC.
Phật có phước tuệ đầy đủ nên có tôn hiệu là Minh Hạnh Túc.

5. THIỆN THỆ:
"Thiện" là tốt, "thệ" là đi. Phật tu tập theo con đường chân chánh để rồi vào cõi Niết Bàn, tức là Ngài đã hướng đến nơi tốt đẹp để đi tới, nên có tôn hiệu là Thiện Thệ.

6. THẾ GIAN GIẢI:
Đức Phật hiểu rõ tất cả mọi tình huống của thế gian cũng như xuất thế gian, nên Ngài có tôn hiệu là Thế Gian Giải.

7. VÔ THƯỢNG SĨ:
Trong tất cả các pháp thì Niết Bàn là Vô Thượng, trong loài người thì Phật là Vô Thượng, trong các thành quả thì Chánh Giác là Vô Thượng, chúng sanh trong chín cõi đều không so sánh được với Phật, nên Ngài có tôn hiệu là Vô Thượng Sĩ.

8. ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU:
Phật là Đấng đại trượng phu, có khả năng điều phục, chế ngự mọi ma chướng trong khi tu hành Chánh Đạo, nên Ngài có tôn hiệu là Điều Ngự Trượng Phu.

Còn một nghĩa khác nữa, Đức Phật có khả năng điều phục  những người hiền và ngự phục  những kẻ ác theo về Chánh Đạo, nên Ngài có tôn hiệu là Điều Ngự Trượng Phu.

9. THIÊN NHÂN SƯ:
Phật là bậc Đạo Sư (bậc thầy dẫn đường đến giải thoát) của cả chư Thiên và loài Người, nên có tôn hiệu là Thiên Nhân Sư. Những loại chúng sanh khác vẫn được Từ tâm của Đức Phật soi đến, nhưng do họ không đủ Thiện căn để lãnh thọ giáo pháp.

10. PHẬT THẾ TÔN:
"Phật" (Buddha) dịch nghĩa là Giác Giả_người đã giác ngộ. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như Đức Phật, nhưng do Vô Minh che mờ nên không thấy không biết mà thôi.
"Thế Tôn" là bậc tôn quý nhất thế gian.

Phật là bậc Giác Ngộ trọn vẹn, đầy đủ tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, phước đức hoàn toàn, là bậc Tam Thừa xuất thế gian và sáu loài phàm phu trong thế gian đều cùng tôn kính, nên có tôn hiệu là Phật Thế Tôn.

Ngoài ra, còn có một số tôn hiệu khác khi nói về Đức Phật như sau:

* Đức Từ Phụ:
Phật thương tất cả chúng sanh đồng như nhau không khác, không phải người nào kính trọng Phật thì Phật thương, người nào phỉ báng Phật thì Phật ghét. Tâm Từ Bi của Phật vẫn bình đẳng, an nhiên vô ngại. 

Cha mẹ thương con chỉ một đời, chư Phật thương chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, chưa từng thôi bỏ. Khi con cái hư hèn thì tình thương của cha mẹ đối với con cũng tổn giảm. Chúng sanh càng lầm lạc thì lòng Từ Bi của chư Phật lại càng vô lượng vô biên.

* ĐỨC ĐẠO SƯ:
"Đạo Sư" là bậc thầy dẫn đường. Phật là bậc thầy dẫn chúng sanh đến sự giải thoát. Còn đi hay không là do ở chúng sanh quyết định.

* ĐỨC BẠC GIÀ PHẠM:
"Bạc Già Phạm" nghĩa là đấng Chiến Thắng, vì Phật đã chiến thắng sự chế ngự của bản ngã. 

* ĐẤNG TAM GIỚI TÔN:
Phật là đấng giác ngộ, đã giải thoát khỏi tam giới là Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới.

* ĐẤNG HUỆ NHỰT ĐẠI THÁNH:
"Huệ Nhựt" là mặt trời trí tuệ. Tuệ giác của Phật như mặt trời soi sáng khắp thế gian, xóa tan đêm tối vô minh.
"Đại Thánh" là bậc Thánh vĩ đại, vì Phật đã giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.

*ĐẤNG TOÀN GIÁC:
Phật là đấng Toàn Giác (giác ngộ hoàn toàn), khác với sự giác ngộ đầy đủ của hàng Bồ Tát (Mãn Giác) và sự giác ngộ của hàng Nhị Thừa (Phần Giác). Phật không phải đấng Toàn Năng có quyền năng ban phước hay giáng họa cho con người. Mà thật ra cũng không ai có đủ quyền năng đó. Lành hay dữ, may hay rủi đều do nghiệp tạo tác của bản thân tự gieo tự gặt cả thôi.

* ĐẤNG CHÂN THẬT NGỮ:
Phật là đấng nói những lời chân thật, không giả dối, phỉnh gạt chúng sanh. Nhờ hạnh không nói dối mà Đức Phật có tướng hảo Quảng Trường Thiệt. Lời nói của Phật khoảng đầu, giữa, sau đêu lành. Tóm lại là những gì đấng Toàn Giác nói ra đều xuất phát từ Trí Tuệ toàn hảo, không phải nói tùy tiện. 

* ĐẤNG LƯỠNG TÚC TÔN:
Có hai nghĩa sau:
Phật là đấng tôn quý nhất trong những loài hai chân (lưỡng túc: hai chân), như chư Thiên và loài Người.
Phật là đấng đầy đủ PHƯỚC ĐỨC và TRÍ  TUỆ (lưỡng túc: cả hai đều đầy đủ).

Posted on FB by Long Chach

No comments:

Post a Comment