Căn phòng đầu tiên, phía tay trái, khi vừa hết những bậc
cấp dẫn lên tầng trên của một dãy phòng ốc trong chùa Già Lam, đấy là am
của thượng tọa Tuệ Sỹ, được đặt tên là Thị Ngạn Am. Là Bờ. Hồi đầu thị
ngạn, quay đầu nhìn vào là bờ. Nhìn thẳng vào tâm mình. Trực chỉ nhân
tâm / Kiến tánh thành Phật.
Đã nhiều ngày tháng, cứ chiều chiều, tôi tới thăm, uống
trà cùng thầy Tuệ Sỹ, ở ngoài hiên sau của Thị Ngạn Am, nhìn xuống
khoảnh vườn trước đây là khoảng đất trống có vài ngôi mộ cổ. Hiển nhiên
thầy là vị tu sĩ khả kính như mọi người đã biết, nhà Phật học uyên bác
có một không hai, như Bùi Giáng từng bảo vậy. Và người thi sĩ độc đáo
nhất Việt Nam còn viết trong “Đi Vào Cõi Thơ”, thầy Tuệ Sỹ là một nhà
thơ vô cùng uyên áo. (Tôi không nhớ rõ nguyên văn, nên tạm nói ý Bùi
Giáng như vậy.) Và tôi cùng thấy như Bùi Giáng, rằng điểm căn cốt ở vị
tu sĩ khả kính, chính là: Tuệ Sỹ, một nhà thơ. Đến thăm thầy Tuệ Sỹ buổi
sáng này, tôi nghe thầy nhắc tới một bài viết của Nguyễn Đình Toàn trên
báo hải ngoại. Bài viết có ý nói rằng, hình như Tuệ Sỹ là một nhà thơ
ẩn trong một nhà tu. Thầy Tuệ Sỹ nhắc tới ý đó của Nguyễn Đình Toàn, với
niềm vui hiện rõ trên gương mặt. Nên, từ bấy lâu nay tới thăm thầy Tuệ
Sỹ, thực chất là tôi tới thăm một người bạn văn nghệ, đặc biệt ở chỗ tôi
gọi là nhà thơ là “thầy” một cách đầy kính yêu, thân thiết. Một nhà thơ
sống ở nơi gọi là “Thị Ngạn Am”.
Lần này là sau một thời gian khá lâu, vì bận rộn, tôi
không tới uống trà và nói đủ thứ chuyện văn nghệ trên đời cùng thầy Tuệ
Sỹ. Lâu nay đã có một chuyện làm tôi mất nhiều thì giờ, là vụ việc in
tập truyện ngắn của tôi, cuốn sách này đã từng bị các nhà xuất bản ở Hà
Nội thay nhau “ngâm” tới hai năm. Tôi không cạy cục để cuốn sách được in
ra, chẳng qua vì nhã ý của một người làm công việc in ấn phát hành sách
ngoài Hà Nội, nên mặc nhiên đã “ném lao phải theo lao”. Bây giờ có cuốn
sách trong tay, dù sao tôi cũng vui mừng, và tôi mang theo một cuốn tới
Thị Ngạn Am tặng thầy Tuệ Sỹ. Chưa in tập truyện nào, nhưng nhà thơ Tuệ
Sỹ cũng ưa thích, và từng viết, đã đăng ở đâu đó vài truyện ngắn. Nhiều
người nhắc tới một truyện ngắn của Tuệ Sỹ, hình như cảm ứng từ một
“sonata” của Beethoven, “Bản xô-nát dưới ánh trăng”.
Thầy Tuệ Sỹ nhận cuốn sách, mở đọc truyện ngắn mà tôi có
nhắc tới nhà thơ trong đó. Nhìn gương mặt thầy Tuệ Sỹ hơi nghiêng xuống
đọc sách (hình trên), tôi thấy là quá đẹp, lấy máy ảnh chụp ngay. Từ lúc
được báo Người Việt gửi cho cái máy ảnh kỹ thuật số, tôi thành ra thích
chụp hình, đi đâu cũng mang theo. Thấy tôi chụp hình, thầy Tuệ Sỹ hỏi:
“Anh định viết gì đó về tôi hả? Bây giờ mà anh viết về tôi như thế nào,
cũng vẫn bị coi là Việt cộng viết về Việt cộng!” Ôi, chuyện này là
chuyện đáng tiếc, buồn rầu. Tôi cũng đã nghĩ, tập truyện ngắn của tôi
được in ra ở Hà Nội, thế nào cũng có người bảo là tôi vì có chạy chọt,
nhờ vả hoặc “đi đêm” gì đó với nhà nước cộng sản, nên tập truyện ngắn
của một người viết ở “miền Nam bị tạm chiếm”, tức “nhà văn ngụy”, từng
là “ngụy quân” nữa, mới được in ra như vậy. Thật sự, người có nhã ý in
sách cho tôi, anh Dương Tất Thắng - Nhà sách Kiến Thức, đã trầy trật lắm
mới xin được giấy phép in sách của một nhà xuất bản. Phần tôi, đã phải
gửi bổ sung nhiều truyện ngắn khác, vì nhiều truyện ngắn đã gửi bị nhà
xuất bản bỏ đi, không duyệt. Có truyện tôi viết, nguyên mẫu nhân vật là
nhà biên khảo văn học Đỗ Long Vân (“Một nhà thơ ngậm ngùi đi vào biên
khảo” -Bùi Giáng, Đi Vào Cõi Thơ), bị bỏ chỉ vì một từ (Trong truyện có
câu: “Đỗ Long Vân, Vô Kỵ giữa chúng ta trở thành vô sản như tôi.”) Rõ
ràng tôi chỉ muốn nói bọn văn nghệ chúng tôi quá nghèo, nhưng (có lẽ)
cán bộ cộng sản quản lý ngành xuất bản ở Hà Nội cho rằng tác giả dám
“phạm húy”, nhắc tới “giai cấp vô sản” một cách vô lối, vô phép. Và
truyện ngắn này bị bỏ luôn.
Thầy Tuệ Sỹ đã nói trước, nên tôi phải đề cập tới chuyện
buồn rầu. Quả là tôi đã nghe dư luận, qua nhiều báo mạng, nghi vấn hoặc
đinh ninh rằng thầy “Tuệ Sỹ đầu hàng Việt cộng”! Tôi bất đắc dĩ phải nói
tới chuyện buồn rầu đó với thầy Tuệ Sỹ. Không nói ra lời xin lỗi, nhưng
trong thâm tâm tôi rất muốn xin lỗi nhà thơ, thượng tọa Tuệ Sỹ, về câu
chuyện này. Thầy Tuệ Sỹ bình thản cho biết, thầy từng nhận nhiều cuộc
điện thoại từ hải ngoại, cùng một ý như của một Phật tử đã hỏi: “Con
nghe nhiều người nói rằng thầy đã thỏa hiệp với cộng sản, con buồn quá,
chẳng biết sự thật thế nào… Con từng rất quý trọng thầy, nên con mong
thầy nói cho con biết sự thật!” Và vị thượng tọa chỉ trả lời Phật tử đó,
một câu ngắn gọn: “Chị quý trọng tôi hay không còn quý trọng tôi thì
tùy chị!” Tôi nghe câu trả lời của thầy Tuệ Sỹ trước câu hỏi này, nhớ
lại chuyện về một thiền sư (trong “Góp Nhặt Cát Đá” của thiền sư Muju -
bản dịch của Đỗ Đình Đồng.) Vị thiền sư này có đời sống rất trong sạch,
được mọi người quý trọng, vậy mà một hôm vị thiền sư bị tố giác là đã
làm cho một cô gái mang thai. Nghe vậy, vị thiền sư chỉ nói ngắn gọn hai
tiếng “Thế à?” Đứa bé ra đời, họ trao đứa bé cho vị thiền sư. Vị thiền
sư lẳng lặng nhận đứa bé, xin sữa và những vật dụng cần thiết để nuôi
nó. Một năm sau, mọi người biết được sự thật không phải như vậy, vị
thiền sư đã bị mang tiếng oan bấy lâu nay. Cha mẹ cô gái xin đem đứa bé
về, và nói những lời xin lỗi dài dòng để mong vị thiền sư bỏ qua chuyện
bậy bạ họ đã gây ra. Vị thiền sư cũng chỉ nói ngắn gọn hai tiếng: “Thế
à!”
Tôi lại hỏi thêm thầy Tuệ Sỹ về tin đồn rằng thầy Tuệ Sỹ
đã rút tên ra khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nụ cười rất
thanh thản của thầy Tuệ Sỹ: “Tự động tôi có tên trong giáo hội, rồi bây
giờ tôi lại nghe nói rằng ‘tôi đã rút tên ra khỏi giáo hội’… Anh biết
đấy, những người làm thơ, những người mang dòng máu văn nghệ, có thể họ
sẵn sàng tham gia làm cách mạng, chứ làm sao họ làm được chuyện chính
trị… Tôi còn nghe nói rằng, mai mốt có thể đệ tử của tôi sẽ nhận chức vụ
thủ tướng nhà nước! Lạ quá, tôi mà làm gì có đệ tử chính trị nào để mai
mốt ra nhận chức vụ, nắm quyền lực?!...”
Quá nhiều những buổi chiều “trà đạo” cùng thầy Tuệ Sỹ,
một người từng bị cộng sản lên án tử hình, rồi bị giam giữ suốt quãng
đời tuổi trẻ trong lao tù, nên buổi sáng này, câu chuyện buồn rầu kia là
câu chuyện chúng tôi cũng đành phải chịu, phải nghe. Những chuyện đáng
tiếc, buồn rầu như vậy vẫn thường xảy ra trong một thế giới ngày càng
bất ổn, đầy nghi kỵ, đầy (vô tình hoặc cố tình) ngộ nhận.
Nhìn lên vách tường Thị Ngạn Am treo trang giấy viết hai
dòng thơ bằng chữ Nôm rất đẹp, thơ của Thị Ngạn (tức thầy Tuệ Sỹ), tôi
xin thầy Tuệ Sỹ một bản chép lại để mang về. Thầy Tuệ Sỹ vui vẻ thực
hiện ngay. Trải trên sàn gạch tờ giấy có in ba chữ “Thị Ngạn Am” ở đầu,
thầy Tuệ Sỹ gò lưng như một ông đồ thưở xưa, nắn nót viết câu thơ Thị
Ngạn bằng chữ Nôm: Năm chầy đá ngủ lòng khe / Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.
Bài và hình - Nguyễn Đạt
No comments:
Post a Comment