Như Quang
Mặt trời rọi ánh sáng chói chang xuống thành phố một trưa tháng tư bận rộn. Không xa trung tâm thành phố bao nhiêu, một dáng người gầy gò trong chiếc y vàng lầm lũi bước đi. Ánh mặt trời hỗn hào táp trên mặt, trên vai tăng sĩ. Con đường không một bóng mát nào để người lữ hành có thể nghĩ chân. Sắp đến giờ độ ngọ, lại đang khát cháy cổ, sư chợt nhớ đến một cô Phật tử ở gần đây, cô Diệu Tâm.
Sư nghĩ mình có thể tạt vào xin ly nước lạnh và một bữa cơm trưa. Đường Tăng đi thỉnh
kinh có đem theo lương khô và nước uống, lại có cả đoàn tùy tùng Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới.
Còn sư, luật tỳ kheo đâu cho cất giữ thức ăn nên có nhiều khi đi xa sư cũng phải chịu đói vì đến giờ thọ trai không ai cúng dường. Có hôm gặp Phật tử hiểu biết luật có dâng thực phẩm đi đường cho sư thì có được vật thực cho buổi trưa. Bằng không thì phải nhịn đói. Có nhiều lần sư đã nhịn đói đến hai ngày liền vì không kẻ cúng dường mà cũng chẳng có Phật tử nào quen biết để xin bố thí. Đời tu khổ hạnh, sư đâu đòi hỏi chi nhiều. Chỉ cần một tô cơm trắng cũng qua bữa rồi. Niệm chuyện đời một lúc, sư nhớ lại mình còn nhiều nơi phải đi nên rảo bước cho mau đến nhà cô Phật tử nhưng chiếc dép nhựa rẻ tiền trở chứng làm khó sư. Chiếc dép bên trái đã đứt quai từ mấy tháng trước, được sư nối dài tuổi thọ bằng những mũi khâu kết vụng, bây giờ không thể kéo dài thêm nữa vì đã quá già nua. Còn chiếc bên phải tương đối lành lặn hơn thì lại là bên chân sư mới vừa bị trật khớp hôm qua vì té thang trong lúc sửa chùa. Mỗi bước đi là một gượng nhẹ, không dám để hết sức nặng của mình lên chân bị đau. Giá mà đổi dép qua chân trái được có lẽ sư cũng đổi. Hoặc vả có ai cho mượn kim chỉ, sư có thể vá víu lại chiếc dép đứt để vượt hơn trăm cây số đường dài trở về chùa.
Thấy đã mất khá nhiều thời giờ, sư cầm chiếc dép trong tay, tiếp tục đi. Khi về chùa, sư sẽ tìm cách khâu vá lại để dùng. Mặt lộ nóng rang dưới gan bàn chân không dép. Với một chiếc dép trong tay, sư chợt nhớ tới hình ảnh tổ Đề Bà Đạt Ma vác một chiếc dép trên vai thường được thờ trong các ngôi chùa Bắc Tông. Sư mỉm cười bâng quơ. Cái khát, cái mệt, có lẽ nhờ nụ cười mà dịu đi.
Đứng trước nhà cô Phật tử, sư đưa tay bấm chuông. Chờ giây lát, không ai ra mở cửa, sư bấm thêm lần nữa. Vẫn không có ai trả lời. Đoán có lẽ cả nhà đi vắng, sư quày trở lại con đường khi nãy. Phước báu cho sư, một cô Phật tử khác đi học về ngang thấy sư mừng rỡ gọi:
- Sư ơi, sư đi đâu giữa trưa nắng vậy?
Nhận ra Minh Hạnh, cô Phật tử vẫn thường đến chùa dâng y và tham dự các khóa thiền, sư cũng mừng rỡ trả lời:
- Sư vào thành phố có chút chuyện. Phật tử đi học về đó à?
Liếc nhìn đồng hồ tay, thấy gần giờ ngọ, cô vui vẻ nói:
- Đã gần đến giờ thọ trai, con xin cung thỉnh sư về nhà con độ ngọ. Nhà con cũng gần đây thôi.
Nói xong cô xuống xe, thỉnh sư đi trước rồi cung kính dắt xe bước sau. Cô đi chậm lại, vừa đi vừa nhìn xuống đường để tránh bóng của sư. Cô nhớ hoài lời giảng của quý sư về cung cách đối với chư tăng. Người Phật tử không được phép ngồi ngang hàng với chư tăng, không được đi trước chư tăng, không được dẫm lên cái bóng của chư tăng. Cô không dám bước trước sư nên luôn miệng chỉ đường:
-Nhà con đó sư. Cái nhà sơn màu xanh đó.
Sư khập khễnh bước đi trước, còn cô dắt xe theo sau. Nhìn thấy sư chân đất, chân dép, cô vô cùng xúc động. Làm thế nào sư có thể đi về với một chiếc dép trong chân? Nhìn dáng gầy gò của sư, cô thấy xót xa. Giữa trưa nắng gắt, một nhà sư khổ hạnh, chân đất như thế này mà không một kẻ qua đường nào bận lòng hay sao? Thật đúng là thời mạt pháp! Rồi cô lo lắng, không biết có món gì để dâng sư. Trong nhà không còn gì có thể dâng đến sư được! Nhưng rồi cô thở phào nhẹ nhỏm khi nhớ ra hộp cơm mình vừa mới mua để ăn trưa. Cô có thể nhịn ăn một bữa không sao. Còn sư ngày chỉ ăn có một buổi, nếu lỡ buổi ăn này thì sư phải nhịn đói đến ngày mai mà khoảng đường về chùa thì còn lê thê.
Dựng chiếc xe ở góc nhà, Minh Hạnh thỉnh sư đi rửa mặt cho mát rồi vội vàng đi pha cho sư ly chanh muối uống giải nhiệt. Sau đó, cô lấy hộp cơm trưa bày ra mâm và rót thêm ly nước lạnh để dâng sư. May thay trong tủ lạnh còn được một trái xoài, Minh Hạnh gọt để lên dĩa cho sư dùng tráng miệng. Nhìn mâm cơm khá tươm tất, cô hài lòng.
Ngồi trước mâm cơm quá thịnh soạn cho một tăng sĩ, sư vô cùng cảm xúc trước tấm lòng người Phật tử trẻ tuổi. Sư thành tâm đọc kinh chúc phúc rồi từ tốn dùng bữa trong chánh niệm. Trong khi sư thọ trai, cô xin phép chạy ra ngoài. Cô hối hả chạy đến tiệm tạp hóa gần nhà mua cho sư đôi dép nhựa. Xong bữa, sư thuyết cho Minh Hạnh một bài pháp ngắn nói về hạnh bố thí. Sư giảng tích chuyện người cho cơm cháy trong Tiểu Bộ Kinh, phẩm Cittalatà. Một nữ nhân đã cúng dường phần cơm cháy của mình đến tôn giả Đại Ca Diếp khi ngài vừa xả Diệt Định sau bảy ngày. Thấy nữ nhân sắp mạng chung và phải sa vào cảnh xấu do những ác nghiệp cô đã làm, ngài Đại Ca Diếp quyết tâm tế độ cho cô nên nhận miếng cơm cháy cô dâng. Thay vì phải đọa vào cảnh xấu, nữ nhân nhờ phước duyên dâng phần cơm cháy của mình cho tôn giả nên được sanh vào cõi trời. Sư còn giảng thêm rằng trong các pháp bố thí, bố thí pháp là tối thắng. Sư hồi hướng phần phước mà sư đã tạo được đến cho Minh Hạnh và gia quyến. Bài pháp tuy ngắn, gọn nhưng vô cùng xúc tích và giọng hiền hòa, chơn chất của sư đã đem đến cho cô một niềm hoan lạc vô biên. Ngồi dưới đất, tĩnh tâm thính pháp mà cô tưởng như mình đang ngồi trên tấm thảm thần chu du khắp nơi, nhìn xuyên suốt cuộc đời bận rộn, vô minh. Cô thấy như huệ nhãn của mình đang mở ra nhìn vào cõi đời tất bật, ganh đua này. Do phước duyên cô đã tạo, cô mong cho mình luôn có trí tuệ, luôn nhìn ra chánh pháp dù ở bất cứ cảnh đời nào, bất cứ kiếp sống nào. Cô không quên nguyện do phước báu mà cô đã làm, nếu có phải tái sanh, cô sẽ luôn được nương tựa vào ba ngôi Tam Bảo. Cô còn nguyện sẽ được quý sư cô hộ độ trong kiếp này nếu thấy cô ở cảnh khổ nào trong các kiếp vị lai thì kéo dùm cô về với chánh pháp.
Cô hoan hỷ nghe pháp và quên rằng mình còn phải trở lại trường chiều nay với cái bụng rỗng không. Cô càng hoan hỷ hơn khi thấy đôi dép vừa vặn chân sư. Vậy mà sư vẫn không bỏ đôi dép cũ. Sư xin Minh Hạnh tờ báo cũ, cẩn thận gói đôi dép đứt vào và nói về chùa sẽ sửa lại để dùng tiếp. Cô hiểu sư sẽ cho người nghèo trong vùng đôi dép nàng vừa mới dâng cho sư còn sư thì sẽ tiếp tục xử dụng đôi dép cũ nát. Những người dân trong vùng của sư nghèo lắm và sư luôn cho họ những gì sư có. Cô thấy sư quá nghèo mà sư thì luôn thấy Phật tử của sư nghèo hơn. Những gì tương đối tốt mà sư có được, sư luôn đem cho lại những người nghèo trong vùng, nhất là những người lớn tuổi. Sống đời ẩn dật như sư, những Phật tử nghèo này chính là lẽ sống của sư. Sư hy sinh hết cho chùa chiền và Phật tử của mình. Ai nói đi tu là ly gia cắt ái chớ Minh Hạnh thấy sư lo cho chùa chiền và Phật tử còn hơn mẹ cô lo cho chồng, cho con. Sư phải lo tiền tu bổ chùa, trả tiền điện, tiền nước, tiền nối mạng Internet, tiền gạo, tiền tỏi, tiền tiêu... Đâu phải tháng nào cũng có Phật tử giúp tịnh tài, tịnh vật. Thường là sư phải lo xoay trở cho chùa được sinh hoạt bình thường, cho Phật tử có nơi tới lui lễ bái. Có lần Minh Hạnh nói vói sư là làm trụ trì cực quá, thôi sư về ở tạm chùa nào khác cho an tâm tu tập. Sư cười nói tại lúc trước sư nguyện không có chánh niệm. Ngày xưa Bồ Tát nguyện không làm vua, không làm gái đẹp, không làm trụ trì. Sư nguyện chỉ có hai điều trước mà quên đi điều quan trọng nhất là làm trụ trì. Minh Hạnh thương sư lắm mà không giúp gì cho sư được. Nàng còn đang ăn bám mẹ, cố gắng lấy cho xong cái bằng đại học để giúp mẹ về sau. Mà cũng chưa chắc gì cô có thể giúp mẹ. Sinh viên tốt nghiệp như nàng không thiếu chi mà việc làm thì quá ít. Nàng chỉ biết cần kiệm trong số tiền quà bánh mẹ cho hay dì, cậu ở ngoại quốc gửi về để lo sách vở, xăng nhớt. Mà sư cũng khái tính lắm. Phật tử giúp đỡ sư cũng rất ngại ngần khi ngửa tay nhận. Đôi khi có chút quà mọn hay tịnh tài do các Phật tử ở nước ngoài gởi về, sư lại chia cho những Phật tử nghèo trong vùng. Có nhiều Phật tử không biết đến pháp danh sư. Họ chỉ gọi sư là ngài cả một cách tôn kính. Với Minh Hạnh, lòng tôn kính của cô dành cho sư ngày một tăng. Mỗi câu hỏi của cô về Phật pháp đều được sư giải thích cặn kẽ bằng kinh điển. Thấy sự uyên bác của sư, có lần cô đề nghị sư học thêm ngoại ngữ để tra cứu kinh điển bằng tiếng nước ngoài, sư cười nói kinh điển tiếng nước mình học mãn đời không hết cần chi phải đọc thêm kinh điển tiếng nước ngoài? Sư như vậy đó. Không cần học ngoại ngữ để dịch kinh hay đọc những trang sách tiếng nước ngoài. Sư chỉ muốn làm thật tốt những điều sư đang làm, mọi thứ khác chỉ là phụ thuộc. Cô hiểu sư là một vị chân tu vì mỗi khi cô gặp chuyện khó khăn, cô trình bày với sư là sư bảo: sư hồi hướng phước báu giữ giới của sư đến cho con, mong con đạt thành ước nguyện. Mọi chuyện gút mắt của cô, dù là giấy tờ hay khó khăn về tình cảm bạn bè đều được mở một cách thần bí. Một người có lòng từ bi như sư chẳng khác nào thánh Tăng. Vậy mà đôi khi sư đi dự lễ ở các chùa trong thành phố, nhiều vị sư khác không biết sư là ai. Tuy nhiên, sư không lấy đó làm buồn lòng. Sư nghĩ càng ít người biết đến mình càng dễ tu.
Tiễn sư đi rồi, Minh Hạnh hối hả trở lại trường. Chỉ kịp quơ vội một trái chuối, cô vừa đi vừa ăn. Cô biết buổi chiều nay cô sẽ làm thật tốt bài thi cuối khóa. Tâm cô nhẹ nhàng và đầu óc cô như vừa được rửa sạch bằng một thứ nước rửa thật tốt, thật trong sạch.
Có lẽ do phước báu mà cô đã làm, Minh Hạnh làm bài thi một cách dễ dàng. Cô mỉm cười nghĩ tín nữ ngày xưa dâng cơm cháy mà còn được phước báu vô lượng, còn cô dâng cho sư một bữa cơm tươm tất với tất cả lòng thành thì làm tốt bài thi cũng là phần thưởng của Phật rồi. Còn thừa chút thời giờ cô viết vội mấy giòng thơ cho sư khi nghĩ đến giờ này sư đang trên đường trở về phố núi của sư.
Sư trở về phố núi. Mặt trời nghiêng bóng cây. Y sờn và dép đứt. Nắng táp một vai gầy. Sư tìm về phố thị. Như thú bỏ rừng già. Như chim miền hoang dã. Không trọ được lồng son. Một ngày nơi phố thị. Pháp thể rã rời xoay. Quanh cảnh đời chật hẹp. Quanh lòng đời bụi cay. Sư trở về phố núi. Trăng tà treo ngọn cây. Đón sư đầu gió hú. Chuyền cây bóng vượn gầy. Sư trở về lạy Phật. Tượng Phật gầy như sư. Phật - sư, cùng ẩn dật. Trong ánh sáng chân như.
Ngó vẩn vơ ra ngoài khung cửa sổ, Minh Hạnh chợt thấy mây xám đang tụ về ở góc trời xa. Cô niệm thầm, lạy Phật cho sư cả về đến chùa trước khi cơn mưa mùa hè đổ xuống.
Canada
No comments:
Post a Comment